399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Giáo dục tiểu học: bỏ chấm điểm, tăng đánh giá
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2014-2015 đối với bậc tiểu học, ông Phạm Ngọc Định - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT cho biết, dự thảo thông tư ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học sẽ ban hành chính thức trước ngày khai giảng năm học 2014-2015 để triển khai đồng loạt vào năm học mới.
Theo dự thảo, hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng giáo viên chủ nhiệm thay vì cho điểm học sinh sẽ là những nhận xét cụ thể về thái độ học tập, việc hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất cần thiết của học sinh, chú trọng việc nhận xét quá trình nỗ lực, tiến bộ của học sinh. Giáo viên tổ chức cho học sinh tự nhận xét, nhận xét lẫn nhau, phụ huynh nhận xét, trao đổi, bàn giao thông tin nhận xét về học sinh giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với ban giám hiệu và cha mẹ học sinh... Việc đánh giá cuối kỳ có kết hợp cả nhận xét và cho điểm.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh việc không xếp loại, xét danh hiệu học sinh theo cách làm cũ. Theo đó, tùy theo quá trình rèn luyện, cố gắng của học sinh, giáo viên chủ nhiệm có thể biểu dương, khen thưởng học sinh một hay nhiều mặt khác nhau.
Trước những băn khoăn về việc thay đổi cách đánh giá và khen thưởng sẽ khó cho việc đánh giá thành tích của học sinh ở giai đoạn chuyển cấp, ông Phạm Ngọc Định cho hay, kết quả đánh giá học sinh sẽ phải bàn giao cho trưởng phòng giáo dục các quận huyện. Những vấn đề bất cập phát sinh từ việc đánh giá học sinh theo hướng mới sẽ do trưởng phòng giáo dục chịu trách nhiệm giải quyết.
Năm học mới, giáo dục tiểu học sẽ bỏ chấm điểm, tăng đánh giá (nguồn: Internet)
Giáo dục chuyên nghiệp: phân luồng thất bại
Thống kê của Bộ GD-ĐT tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới đối với giáo dục chuyên nghiệp cho thấy trong 4 năm gần đây, quy mô học sinh hệ THCS có xu hướng giảm. Nhưng năm 2013 là năm đánh dấu sự sụt giảm tệ nhất trong những năm trở lại đây. Cụ thể, quy mô năm học 2013 – 2014 là gần 500.000 học sinh, giảm hơn 130.000 học sinh so với năm học 2013-2014.
Công tác tuyển sinh TCCN gặp rất nhiều khó khăn. Kết thúc năm học 2013, số thí sinh nhập học vào các cơ sở đào tạo THCS chỉ đạt gần 50% so với chỉ tiêu được giao. Nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có tới 38 trường được giao chỉ thiêu nhưng không tuyển được học sinh. Đây là hệ quả của công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào TCCN bị tắc. Số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN chỉ chiếm 10% và liên tục giảm trong 4 năm trở lại đây.
Nguyên nhân của tình trạng “tắc” này được các đại biểu cho rằng cơ hội cho học sinh học ĐH hiện nay rất coa. Mục tiêu của gia đình nào cũng là cho con học ĐH. Còn mục tiêu của các trường phổ thông là càng nhiều học sinh vào ĐH, CĐ càng tốt. Trong khi đó, các địa phương cũng đưa ra các tiêu chí, đánh giá, tuyển chọn chủ yếu ở trình độ ĐH. Chính các yếu tố này, TCCN “ế” và “thất thế” là phải.
Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lại cho rằng không phải ĐH đã hút hết nguồn tuyển của TCCN. Chỉ một vài trường ĐH nhóm trên là tuyển sinh dễ dàng, còn các trường ĐH nhóm dưới cũng rất chật vật. Số lượng học sinh phổ thông vào ĐH hàng năm chỉ khoảng 300.000 sinh viên. Trong khi hàng năm có 900.000 học sinh tốt nghiệp THPT. Chúng ta cũng nắm được số lượng học sinh đi du học, đi xuất khẩu lao động không lớn lắm. Vậy câu hỏi đặt ra là các em đi đâu? Vì sao các em không học? Hay học không được gì mà còn tốn kém.
Xử lý tận gốc những câu hỏi này mới tuyển sinh được, chứ không phải do ĐH. Tuy câu hỏi này đã được đưa ra bàn thảo tại hội nghị nhưng vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.